Văn hóa gia đình

Văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực khu biệt đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội. Đó là những thực hành trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Đó là việc nuôi dạy con cái để chúng có kỹ năng sống, làm các công việc trong gia đình (nữ công gia chánh) và chuẩn bị cho chúng bước ra ngoài xã hội, dạy dỗ việc ứng xử với cha mẹ, anh chị em trong gia đình, bà con trong dòng họ và ứng xử ngoài xã hội, mối quan hệ của con cái đối với họ hàng hai bên và cộng đồng làng xóm xung quanh…
Với những thực hành văn hóa này tại mỗi gia đình sẽ tạo ra những con người có nhân cách, có tình cảm, sự nhường nhịn, lễ phép, kính trên nhường dưới, có lòng bao dung và tình yêu con người … Gia đình là nơi đầu tiên của mỗi con người khi sinh ra, nó được nuôi dưỡng từ khi thai nghén đến lúc trưởng thành bước ra cuộc đời. Do đó mọi sự dạy dỗ ở đây thật sự là nền tảng, là bệ đỡ, là cơ sở để con người có thể vững vàng bước ra cuộc sống.

Phương pháp dạy dỗ, giáo dục con cái truyền thống đòi hỏi ở mỗi gia đình là những thực hành cụ thể sau đây:

1- Dạy dỗ con cái qua các thực hành nghi lễ gia đình

Các nghi lễ gia đình nổi bật nhất đó là ngày giỗ, tết và cưới xin, ma chay. Vào những dịp này là lúc cha mẹ, anh em, bà con họ hàng gặp gỡ sum họp gia đình cũng nhau chia sẻ những tình cảm cá nhân với nhau để tạo nên mối quan hệ bền chặt hơn. Bằng việc tham gia vào những nghi lễ này trước hết là sự gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình nhất là khi con cái đi làm ăn xa hoặc đã xây dựng gia đình ra ở riêng có thể không gần bố mẹ.

Đây là dịp anh em, con cái chia sẻ những tình cảm, những kinh nghiệm trong cuộc sống mà mình từng trải từ người này cho người khác. Hòa giải những xích mích (nếu có) trong quá trình sống giữa anh em, dâu, rể. Bằng vào việc tham gia cùng nhau vào những nghi lễ này, trước bàn thờ tổ tiên hay trước việc cùng tham gia chia sẻ nỗi đau chung khi bị mất mát người thân, người ta dễ đồng cảm với nhau, bỏ qua cho nhau những điều mà trước đó tưởng như là to tát, căng thẳng. Dịp gặp gỡ này, thông qua các công việc như nấu nướng, bày biện, sắp đặt, trang trí hay chuẩn bị các công việc liên quan khác, người ta có dịp trò chuyện, tâm sự, giãi bày những khúc mắc trong quá khứ để có được sự đồng cảm, cảm thông với nhau, tạo nên sự gắn kết bền chặt hơn.

Như người ta nói, đám giỗ, đám ma không chỉ vì người chết, mà chủ yếu là vì người sống, những đau buồn được an ủi, sẻ chia, những bất hòa được giải tỏa, người chết là cái cớ để gắn kết những người sống, tạo cho người sống hiểu được giá trị của gia đình, ruột thịt… Đây cũng là dịp để anh em, bà con nhận biết nhau thứ bậc trên dưới, tránh việc như dân gian thường nói “đánh nhau vỡ đầu mới nhận ra anh em”.

Nhất là những người sống xa gia đình lâu ngày, ít có dịp tụ họp thì đây là lúc các con cái họ nhận biết anh em họ hàng, cô bác, chú dì bên nội bên ngoại. Điều này càng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, khi mà do cuộc sống mưu sinh con người đi làm ăn ở khắp nơi không mấy khi có dịp đưa vợ chồng con cái về gia đình gặp gỡ những người thân thuộc. Những sự kiện giỗ, tết, cưới xin, ma chay là dịp để những thực hành văn hóa này có điều kiện phát huy tác dụng dạy dỗ cho các thế hệ con cái trong gia đình bằng những việc làm cụ thể, trực tiếp mà không phải bằng những lời giáo giáo huấn suông.

Khi thực hành các nghi lễ tâm linh, một mặt tạo cho thế hệ trẻ nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà đã khuất, mặt khác sự linh thiêng khi ăn sâu vào suy nghĩ của lớp trẻ sẽ trở thành một sức mạnh ngăn cản họ trước những quyết định làm một việc sai trái. Bởi vì, khi con người ta biết sợ, ắt sẽ chùn bước trước những hành động xấu mà họ định làm, còn khi họ không có gì để sợ thì không có việc gì mà họ không dám làm. Ở đây, khi có được niềm tin linh thiêng, nó sẽ giúp con người đắn đo trước khi hành động, khi đó họ nghĩ việc họ làm có thể không là gì đối với bản thân, nên không quan tâm, song nếu họ nghĩ mình làm việc này là có tội với tổ tiên, với thần linh, đặc biệt là hậu quả sau việc làm của họ thì bố mẹ, anh chị em, họ hàng sẽ suốt đời mang tiếng, xấu hổ với thiên hạ rằng gia đình có một người con như thế. Khi đó, chắc chắn nó sẽ phải chùn tay hay suy nghĩ trước hành động mình sắp làm, và như vậy có thể hạn chế hay kìm hãm những hành động thiếu suy nghĩ của con người.

2- Tấm gương cha mẹ

Cha mẹ là hình ảnh, là tấm gương cụ thể đầu tiên cho con cái trong môi trường nhỏ của xã hội đó là gia đình. Dù dân gian có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” song cái tính trời sinh ấy cũng vẫn có một phần từ tấm gương của cha mẹ. Tất cả những việc làm, cách ứng xử, lối sống, việc đối nhân xử thế của cha mẹ đều là những hình ảnh trực quan sinh động cho con cái.Đặc biệt, khi tuổi trẻ còn non nớt thì những hình ảnh đó luôn luôn khắc sâu vào tâm trí những đứa trẻ và được lưu giữ trong đầu nó rất lâu, thậm chí ám ảnh cả đời chúng.

Thực tế cho thấy những vụ phạm pháp của trẻ vị thành niên đều có sự góp phần không nhỏ của hoàn cảnh gia đình như bố mẹ bỏ nhau, bạo lực gia đình, làm ăn phi pháp hoặc những tấm gương xấu mà bố mẹ gieo vào tâm hồn đứa trẻ từ khi còn nhỏ. Những thái độ ứng xử của cha mẹ đối với ông bà, họ hàng hằng ngày có tác động mạnh mẽ vào con cái và sẽ là nguồn nuôi dưỡng và hình thành tính cách cho nó khi lớn lên.Tương tự như vậy là những ứng xử của cha mẹ với hàng xóm láng giềng, xã hội xung quanh. Lối sống hàng ngày của cha mẹ cũng sẽ là tấm gương đạo đức cho con cái noi theo như một hệ quả của sự thực hành giáo dục cho thế hệ trẻ. Sự tôn trọng ông bà, sự kính trên nhường dưới, sự yêu quý anh chị em ruột trong gia đình của người cha, người mẹ luôn là một tấm gương tốt cho con cái học tập và làm theo.Để rồi những đức tính đó được đứa trẻ đem ra thực hành ở ngoài đời.

Thái độ đối với con cái trong những công việc gia đình, sự phân công hợp lý công việc, thái độ đối với lỗi của trẻ, sự công bằng trong việc giải quyết những việc nhỏ nhặt hàng ngày sẽ là những tác động đến hình thành tính cách của con cái cũng như cách xử lý của chúng trong tương lai. Sự hy sinh cho con cái, chăm chút từ miếng cơm manh áo, giấc ngủ và đặc biệt là việc học hành của con cái, hầu hết các ông bố bà mẹ dù có khó khăn đến đâu thì ai cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con cái được học hành. Đây là một phẩm chất cao đẹp của tất cả các gia đình Việt Nam chúng ta từ trước đến nay. Ngược lại, đứa trẻ bị đánh đập, chửi mắng, đay nghiến, hành hạ trong gia đình, thì khi ra ngoài xã hội nó sẽ mang lỗi hận ấy gieo rắc lên những người khác.

3- Bữa cơm gia đình và những sinh hoạt hàng ngày

Đây là một môi trường văn hóa được sử dụng một cách triệt để trong việc dạy dỗ con cái. Đó thật sự là một cách “cầm tay chỉ việc” trong từng hoạt động thực hành tỉ mỉ chi tiết. Từ việc “ăn trông nồi ngồi trông hướng” đến những phép tắc gia đình trong việc ăn uống được thể hiện ở đây. Bằng những công việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, người làm cha làm mẹ dạy dỗ con cái những kĩ năng sống, cách sắp xếp tổ chức công việc, đời sống, tổ chức trong gia đình. Bằng bữa cơm gia đình, lớp trẻ học được kĩ năng làm bếp, những việc nữ công gia chánh đối với con gái, những việc việc gia đình, bếp núc, hỗ trợ những việc nặng của con trai. Điều quan trọng hơn nữa đó là bữa cơm gia đình như một diễn đàn hay một lớp học nhỏ để cha mẹ có dịp dạy dỗ con từ chuyện nhà đến chuyện xã hội.

Quanh bữa cơm con cái nói chuyện học hành, chơi bời với bạn bè trong lớp, ngoài đời, một mặt bố mẹ hiểu biết được con cái, được bạn bè của con, mặt khác họ còn có thể góp ý cho con những cách thức ứng xử trước từng công việc, những khúc mắc, vấp ngã xảy ra đối với con cái. Họ chia sẻ những kinh nghiệm cho con cái, an ủi, khuyên bảo những điều hay lẽ phải cho con vừa tạo nên sự gần gũi vừa như những bài học kinh nghiệm được truyền dạy một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm sâu vào con cái hơn bất cứ một cách giáo dục trường lớp hay những bài giảng lý thuyết nào. Bằng việc kể những câu chuyện trong bữa ăn về những người, những việc xảy ra xung quanh họ hàng ngày, một mặt họ truyền cho con cái cách hiểu biết, ứng xử với nó khi gặp phải, mặt khác là sự khuyến khích hay cảnh báo trước những việc tốt hay không tốt để noi theo hoặc né tránh….Còn trong từng công việc diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình, cha mẹ có dịp hướng dẫn một cách cụ thể, trực tiếp mỗi công việc, mỗi cách ứng xử cần phải làm, phải xử lý các tình huống diễn ra sao để chúng có thể học hỏi và ứng tác ngay khi có thể.

Những việc yêu thương, chăm sóc ông bà, thăm hỏi ông bà, chú bác, cô dì, anh em họ hàng những lúc ốm đau, trắc trở, tai nạn, những chuyện vui buồn xảy ra… tất cả những thực hành đó tạo trong lòng con trẻ những tình cảm, sự cảm thông, tình yêu thương có tác dụng nuôi dạy trong chúng tính nhân văn trong cách đối nhân xử thế sau này một cách sâu sắc. Sự nhường nhịn đối với anh chị em trong nhà nếu được nuôi dạy từ lúc trẻ sẽ tạo nên lòng bao dung, lòng vị tha, thương người cho mỗi đứa trẻ khi lớn lên và bước vào cuộc đời.

 

error:
Liên hệ qua Email
Chat qua zalo
Chat qua Facebook
Gọi ngay: 0907.000.277