Làm việc và ứng xử nơi công sở

Công sở là nơi chúng ta làm việc, gắn bó, nâng cao thu nhập, trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Đa số chúng ta đều thừa nhận chốn công sở vô tình đã trở thành ngồi nhà thứ 2 của chúng ta, do đó cần có những nguyên tắc làm việc và ứng xử như thế nào để phát huy được bản thân ở môi trường công sở

  1. Sếp luôn đúng
    Hãy luôn nhớ rằng Sếp là cấp trên của bạn, là người đưa ra quyết định trong công ty và là người chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Mọi hành động của Sếp đều có tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và túi tiền của ông/cô ta. Vậy nên họ cũng sẽ có những suy nghĩ và quan điểm nhất định khi đưa ra những quyết định. Do đó hãy tuân thủ nguyên tắc “Sếp luôn đúng”. Nếu bạn đưa ra những ý kiến hay, những thông tin hữu ích mà bị Sếp bác bỏ hoặc không được tận dụng, phát huy thì hãy xem lại cách giao tiếp và truyền đạt của bạn.
  2. Tránh buôn chuyện
    Tuyệt đối tránh buôn chuyện, nói xấu, chê bai lãnh đạo hay đồng nghiệp trong công ty. Nếu như bạn thấy không hài lòng về cách ứng xử của cấp trên hoặc đồng nghiệp thì hãy nhẹ nhàng giao tiếp, chia sẻ, tâm sự và gần gũi hơn với họ. Khi bạn gần gũi hơn những khoảng cách sẽ gần lại giúp cả bạn và họ sẽ cảm thấy thoái mái, dễ chịu hơn, đồng cảm với nhau hơn.
  3. Công việc không tốt luôn có một phần trách nhiệm của mình
    Không đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong công việc. Tất cả những công việc có liên quan tới mình không tốt đều có một phần trách nhiệm của mình. Hãy nhận lỗi, sửa lỗi rồi mới thanh minh. Không nên thanh minh, đùn đẩy trách nhiệm quá sớm sẽ khiến cấp trên và đồng nghiệp không hài lòng.
  4. Sự phát triển của bản thân độc lập với sự phát triển của công ty
    Dù bạn có làm ở công ty to lớn hay nhỏ bé cỡ nào thì bạn cũng cần có những mục tiêu cho riêng mình. Cần xác định rõ bạn muốn trở thành ai? Trở thành con người như thế nào? Để làm được điều đó bạn cần có những kiến thức, những kỹ năng và kinh nghiệm như thế nào? Từ đó, tập trung vào việc phát triển và rèn luyện bản thân để đạt được mục tiêu. Cần xác định rõ bản thân mình phải là người chủ động thay đổi môi trường xung quanh chứ không để môi trường thay đổi bản thân. Chúng ta có thể phát triển bản thân bằng một số việc như:
  • Hướng ra bên ngoài với tinh thần học hỏi;
  • Giao lưu chuyên môn với những người cùng nghề;
  • Cập nhật những xu hướng mới trong công việc;
  • Học thêm những kiến thức của những ngành khác;
  • Xây dựng thương hiệu cá nhân;
  • Truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau…

5. Bẫy ổn định
Chúng ta thường dễ dàng dính bẫy ổn định khi có công việc ổn định, mức thu nhập khá do đó không tập trung cho việc nỗ lực học tập và phát triển bản thân. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra và kéo dài sẽ khiến bạn trở nên lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của thị trường lao động ngày một đông đảo và được đào tạo ngày càng bài bản cùng với sức ép cạnh tranh với lao động nước ngoài trong thời kỳ hội nhập. Do đó cần phải phấn đấu liên tục trong 5 năm đầu tiên của sự nghiệp và đánh giá bản thân liên tục 6-12 tháng/lần để có lộ trình phát triển rõ ràng.

(ST)