Quy tắc ăn uống để bạn luôn là người thanh lịch
Được ăn đồ ngon là lúc đầu óc lẫn cơ thể thoải mái nhất nên khiến không ít bạn quên mất “ý tứ” khi ăn. Đặc biệt, nếu được mời đi ăn món Tây thì càng phải học cách ăn trước khi ngồi vào bàn để không bị cho là thiếu lịch sự hoặc tránh tối đa tình trạng phạm lỗi ngớ ngẩn đến mức muốn xấu hổ không biết để đâu. Sau đây là các nguyên tắc khi ăn mà ai cũng nên học qua một lần để luôn là người tao nhã, lịch sự trong mắt người đối diện.
Khi uống nước
Bạn chỉ nên uống bằng ống hút một cách từ tốn, nhẹ nhàng chứ đừng dốc ngược cả cốc đưa lên miệng, vừa tự làm xấu hình ảnh của mình, vừa làm tăng nguy cơ nước đổ tháo lên người trông không được đẹp mắt. Uống xong thì để cốc nước sang một bên rồi tiếp tục nói chuyện. Tránh vừa uống nước vừa nói.
Khi uống trà túi lọc
Lúc uống trà túi lọc thì lịch sự nhất là bạn nên dùng thìa ép nhẹ vào túi trà để nước trong túi trà ra hết rồi mới rút hẳn túi trà ra khỏi cốc và cho vào đĩa. Dùng cách này vừa đỡ lãng phí trà, vừa không làm vấy bẩn bàn do nước từ túi trà tràn ra ngoài. Đặc biệt, khi uống cũng sẽ không gặp phải tình trạng sợi dây túi lọc treo lòng thòng trông không được thẩm mỹ cho lắm. Khi khuấy trà thì nhớ khuấy thật nhẹ tay để tránh trà văng ra ngoài bàn, làm vấy bẩn khăn trải bàn và trông không được sạch sẽ, tinh tươm.
Ngoài ra, khi khuấy xong thì việc đặt thìa khuấy như thế nào cũng có nguyên tắc riêng. Thìa nên được đặt nằm ngửa và song song với cốc trà chứ không gác đầu thìa lên đĩa lót dưới tách trà. Khi uống trà thì nên nâng cả đĩa lót cốc bên dưới lên cùng chứ không chỉ cầm mỗi cốc trà để uống.
Ăn mì Ý
Do người Việt Nam không quen dùng thìa và dĩa nên có thể bạn sẽ lúng túng khi được mời ăn món này. Thao tác lịch sự là tay phải cầm dĩa xoay cuộn mì trên chiếc thìa đang cầm ở tay trái, sau đó nâng cả thìa lẫn dĩa và cho mì vào miệng. Dùng cách này vừa giúp lấy mì nhanh, vừa hạn chế tình huống mì xổ ra khỏi dĩa, rơi vãi lung tung trên bàn.
Thưởng thức đồ uống
Khi rót đồ uống thì bạn nên lưu ý chỉ rót 1/3 ly chứ không rót quá nhiều sẽ khiến thức uống để lâu bên ngoài không còn hương vị trọn vẹn như ban đầu. Ngoài ra, khi cầm ly thì bạn cũng nên lưu ý một chút là cầm ở cổ ly chứ không cầm trên thành ly. Lý do là để nhiệt độ của tay không làm ảnh hưởng đến rượu.
Ngoài ra, trước khi uống thì thói quen lịch sự là bạn hãy dùng khăn chạm nhẹ vào môi để tránh tình trạng son môi bám dính vào thành ly thủy tinh trông rất không đẹp mắt.
Khi ăn bánh mì
Bánh mì là thực phẩm thông dụng và xuất hiện ở hầu hết các nhà hàng món Tây. Do đó, tuy đơn giản nhưng bạn phải học cách ăn bánh mì để trở nên lịch thiệp hơn trong các bữa tiệc. Tốt nhất là bạn nên xé nhỏ từng miếng bánh mì và cho vào miệng chứ không nên đưa bánh mì lên miệng cắn, cho dù bạn cắn nhỏ hay to thì cũng đã tạo nên hình ảnh không được đẹp mắt đối với mọi người. Ngoài ra, nên ăn lần lượt từng thứ một, không nên dùng 2 tay để ăn 2 món cùng một lúc.
Khi ăn thịt
Khi ăn các món thịt dai cứng thì cách cầm dao và dĩa rất quan trọng. Tay phải cầm dao, tay trái cầm dĩa, tuy nhiên khi cầm dao thì bạn nên sử dụng ngón trỏ ấn nhẹ vào lưng lưỡi dao để cố định dao khi cắt và cắt dễ hơn, tránh gây tình trạng miếng thịt rơi tọt xuống đất vì dùng lực cắt quá mạnh.
Khi ăn cá
Khi ăn cá, bạn không nên dùng cao cắt đôi thân cá ra mà chỉ nên xắn nhẹ, tách phần thịt cá rồi dùng dĩa lấy phần cá cho vào miệng.
Khi rót nước chấm
Khi rót nước chấm thì bạn nên lưu ý chỉ rót vừa đủ lượng dùng, ít hơn một tí cũng không sao nhưng tránh trường hợp rót quá nhiều khiến dĩa đựng đầy ứ, vừa gây lãng phí, vừa dễ khiến nước chấm văng ra ngoài khi chấm thức ăn.
Vị trí đặt khăn ăn khi đứng đậy
Ai cũng biết khăn ăn sẽ trải trên đùi khi ăn để tránh thức ăn rơi vào quần áo. Tuy nhiên, khi đứng dậy thì phải làm thế nào? Đặt khăn ở đâu mới đúng vị trí? Tránh tình trạng vắt khăn trên thành ghế bạn nhé, mà chỉ nên đặt khăn nhẹ nhàng lên ghế trước khi rời khỏi là được.
Vị trí đặt bánh mì và đồ uống
Chạm nhẹ đầu ngón trỏ và ngón cái chúng ta sẽ có hình dạng chữ “b” ở tay trái và chữ “d” ở tay phải. Chữ “b” ở đây là bread (bánh mì), chữ “d” ở đây là drink (thức uống, rượu…). Và theo quy tắc này thì thức uống luôn đặt bên phải và bánh mì thì đặt bên trái, ngay trước đĩa thức ăn chính.
Dấu hiệu kết thúc bữa ăn
Khi bạn đang ăn và muốn kết thúc bữa ăn, tức là không muốn ăn thêm bất kỳ món nào nữa thì hãy đặt dao và dĩa song song nhau trên đĩa. Còn nếu bạn chỉ muốn tạm dừng bữa ăn lại một chút để gọi điện thoại, trò chuyện với mọi người hoặc đơn giản là bạn muốn chờ cho bớt no để ăn tiếp thì hãy đặt dao dĩa nằm vuông góc nhau trên đĩa là được. Bằng cách này, người đối diện có thể nhận biết được bạn đang còn muốn ăn tiếp nữa hay không để biết cách ứng xử cho đúng đắn nhằm không gây ra sự bối rối trong bữa ăn,
Như vậy, chỉ là ăn uống thôi nhưng ở phương Tây có rất nhiều quy tắc thú vị riêng. Đặc biệt, khi hiểu được ý nghĩa của các nguyên tắc này thì nhiều người lại không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, điểm sơ qua các nguyên tắc khi ăn thì đúng là không khó nhớ bạn nhé, thế nhưng việc thực hành mới là quan trọng và giúp bạn phản ứng nhanh khi ăn hơn. Do đó, mỗi khi có dịp đến các nhà hàng món Tây Âu hoặc các nhà hàng có phong cách phục vụ tương tự thì hãy nhớ ngay các thông tin này để áp dụng đúng lúc, đúng cách và luôn trở nên tao nhã, lịch sự trong mắt người đi cùng.