Nếu ví rằng mỗi ngày đi làm là một ngày “ra chiến trường” thì cũng chẳng sai, nhưng “bãi chiến trường” đó cũng mang lại cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Để trả lời cho câu hỏi “Các bài học lớn nhất bạn rút ra khi đi làm cho công ty là gì?”, một nhân viên công sở có tên Om Motilal Bele, sống tại Yekepa, Liberia đã đưa ra bản danh sách khá thú vị.
1. Luôn CC sếp ở tất cả các email liên quan đến công việc.
Hẳn đa số sẽ giãy nảy lên vì ai cũng muốn tránh sếp càng nhiều càng tốt (trừ khi sếp tâm lý nhận được cảm tình của số đông), nhưng bài học này khá quan trọng và hợp lý, bởi người quản lý cần biết rõ nhân viên của mình làm gì, cần được thấy mọi thứ rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, sếp sẽ rất hài lòng khi thấy nhân viên tự giác báo cáo công việc, cảm giác được tôn trọng hơn là phát hiện ra cấp dưới cứ âm thầm lặng lẽ gửi các email không có mình.
2. Quyền được nói KHÔNG.
Đừng sợ hãi hay e ngại từ chối những việc được giao mà bạn cảm thấy không hợp lý, không đúng chuyên môn của mình, hoặc mang tính chất không minh bạch. Không ai có thể đuổi việc bạn chỉ vì bạn làm đúng trách nhiệm và khả năng của mình, cứ mạnh dạn trình bày rõ lý do mà mình không muốn nhận job, biết đâu cấp trên sẽ thấy khâm phục nhân viên của mình vì tinh thần thẳng thắn, hơn là nhận cho cố rồi làm không tốt, kết quả còn bi đát hơn.
3. Đi và về đúng giờ.
Nhiều nơi trả thù lao thỏa đáng cho việc làm thêm giờ, nhưng chỉ công ty nào đủ khả năng trả cho nhân viên thôi. Còn lại, chúng ta hãy đối mặt với sự thật nha, một trong những lý do cơ bản nhất mọi người làm việc chính là vì tiền. Làm 12 tiếng lương vẫn bằng 8 tiếng, thì đâu có lý do gì để vắt kiệt sức mình?
Bạn ở lại văn phòng đến tối muộn, cũng chẳng ai trao huy chương, sếp cũng đâu biết điều đó. Hiệu quả công việc là quan trọng, nhưng cũng cần đảm bảo sức khỏe và nếp sinh hoạt khoa học. Phải không nào?
4. Đi họp đúng giờ.
Ý thức nghiêm túc khi đi làm là rất quan trọng, không ai muốn trở thành “ngôi sao” bị nhìn chằm chằm khi bước vào phòng họp muộn.
5. Phát biểu quan điểm trong mọi cuộc họp có mình tham gia.
Đừng bao giờ chỉ ngồi im nghe, hãy nói và đóng góp ý kiến. Cấp trên và cả đồng nghiệp luôn có sự đánh giá cao dành cho những cá nhân có trách nhiệm với công việc, sáng tạo và nhiệt tình.
6. Microsoft Excel là anh bạn thân của tôi.
Đó là phần mềm tiện dụng và cực kỳ hữu ích với dân văn phòng. Có thể nhiều người không cần đến nó, nhưng bài học này cũng tốt, giúp cho quá trình làm việc của chúng ta trở nên khoa học hơn.
7. Giữ các file và thư mục gọn gàng.
Lợi ích của bài học này rất rõ: Sắp xếp gọn gàng thì dễ tìm kiếm, không bao giờ tốn thời gian công sức để ngồi bới tung máy tính lên, chỉ để tìm 1 file nho nhỏ ghi hợp đồng nào đó.
8. Gọi điện, email, nhắn tin, họp…
Hãy luôn luôn đảm bảo việc truyền đạt thông tin của mình rõ ràng, thông suốt với tất cả các mối quan hệ trong công việc, từ sếp, đối tác, cho đến đồng nghiệp xung quanh.
9. Học hỏi từ người khác và chia sẻ kiến thức.
Bất kỳ ai cũng muốn thăng tiến trong sự nghiệp, và được công nhận bằng thực lực, tài năng, sự hiểu biết cá nhân… phải không nào? Cho và nhận kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong công việc, đó là lợi ích không bao giờ thừa.
10. Tách rời đời sống cá nhân với đời sống công ty, không bao giờ để cái này ảnh hưởng cái kia.
Nhiều người thích mang việc về nhà, dành nốt quỹ thời gian ít ỏi buổi tối để tiếp tục cống hiến cho những bản báo cáo, hồ sơ, nghiên cứu… thay vì nghỉ ngơi thư giãn cùng gia đình. Thực tế đã có không ít người phải hối hận, bởi chẳng ai đắm chìm trong sự bận rộn mà có thể giữ được cuộc sống hạnh phúc vui vẻ.
Ngược lại, cũng không nên bỏ bê chểnh mảng công việc để nuông chiều những thú vui cá nhân, coi đời tư quan trọng hơn công việc. Chẳng sếp nào muốn trả lương cho kiểu nhân viên suốt ngày xin nghỉ làm vì “lý do riêng”, “chuyện gia đình”, “bận việc đột xuất”… Phải biết cân đối quỹ thời gian đi làm và ở nhà, điều đó tốt cho chúng ta và tất cả mọi người xung quanh.
11. Tươi cười và chào hỏi tất cả mọi người. Tôn trọng những đồng nghiệp lớn tuổi và học hỏi từ kinh nghiệm của họ.
Ngoài tài năng, sự chăm chỉ, thì thái độ trong môi trường làm việc cũng quyết định đến sự thành công và vị thế của bạn ở công sở. Bạn tài giỏi, nhưng kênh kiệu, thích tỏ vẻ coi thường người khác, kể cả đồng nghiệp lâu năm, thì liệu có tồn tại bền vững được không? Chưa kể, “gừng càng già càng cay”, những người lớn tuổi giàu kinh nghiệm luôn có đủ thứ hay ho để giúp đỡ chúng ta khi gặp khó khăn.
12. Không bao giờ tham gia vào chính trị công sở hoặc ngồi lê đôi mách.
Buôn dưa hóng hớt ở văn phòng thì cũng vui, nhưng hậu quả mà nó mang lại có thể là mất bát cơm manh áo, nếu sếp bắt quả tang bạn đang tung tin đồn nào đó sai sự thật. Ví dụ như bắt gặp sếp đưa con gái đi chơi lại bảo đi với bồ, hoặc bàn tán chuyện sếp lớn “đấu đá” sếp nhỏ, chẳng ai đảm bảo ngày mai bạn sẽ tiếp tục được đi làm bình thường đâu.
13. Dù bạn có làm tốt đến đâu đi nữa, bạn LUÔN LUÔN CÓ THỂ BỊ THAY THẾ.
Bài học này rất nhiều người trải qua hàng chục năm làm văn phòng đều hiểu rõ, nó là sự thật, dù khá phũ phàng. Bạn nghỉ sinh 6 tháng theo quy định, quay trở lại đã không còn cái ghế trưởng phòng. Hôm nay bạn vừa nhận phần thưởng nhân viên xuất sắc của tháng, nhưng ngày mai bạn đã thất nghiệp vì một người mới tài giỏi hơn bạn về mọi mặt, phù hợp với vị trí của bạn hơn.